Bệnh tâm thần phân liệt

Biên soạn Bs Đặng Trong

  1. KHÁI NIỆM

 Tâm thần phân liệt (TTPL) là một bênh tâm thần nặng, điển hình nhất trong tất cả các loại loạn thần, tiến triển từ từ có khuynh hướng mạn tính, căn nguyên hiện nay chưa rõ ràng nhưng được coi là bệnh nội sinh vì sự phát triển ít lệ thuộc vào yếu tố bên ngoài. Đặc tính lâm sàng rõ nét là sự phát triển nhân cách kiểu phân liệt tức là làm cho người bệnh dần dần tách khỏi cuộc sống xã hội bên ngoài, thu mình vào thế giới nội tâm (thế giới tự kỷ) làm cho họ khô lạnh dần, khả năng làm việc ngày càng giảm sút và có nhiều hành vi ý nghỉ kỳ dị, khó hiểu.

TTPL đã được nghiên cứu đầu tiên vào thế kỷ 18 với nhiều tên khác nhau. Năm 1857, nhà tâm thần học Pháp là Morel mô tả bệnh dưới tên là bệnh sa sút sớm (Demence precoce). Bệnh có biểu hiện phong phú nên nhiều tác giả nghiên cứu dưới các thể lâm sàng khác nhau: Morel và Hecker gọi là bệnh thanh xuân, Kahbau gọi là bệnh căng trương lực, Magnan gọi là bệnh hoang tưởng mạn tính. Năm 1898, nhà tâm thần học người Đức gộp tất cả các thể đó lại thành một bệnh và ông gọi là bệnh sa sút sớm(Demence precoce).

Năm 1911, nhà tâm thần học người Thụy Sỹ Bleuler phân tích đặc điểm chủ yếu của bệnh này là quá trình tan rã nhan cách, sự phân liệt về tâm thần của người bệnh với xung quanh và trong bản thân con người họ nên ông gọi là bệnh Tâm thần phân liệt(Schizophrenia) và tên này nhanh chóng dược công nhận cho đến nay.

  1. DICH TỂ HỌC

Bệnh TTPL khá phổ biến trong dân chúng, theo tài liệu nhiều nước với các tiêu chuẩn chẩn đoán chặt chẽ thì tỷ lệ bệnh khoảng 0.3 - 1% dân số. Bệnh thường phát sinh ở lứa tuổi từ 16- 40 tuổi.  Phát bệnh trước 16 tuổi và sau 40 tuổi cũng có nhưng ít gặp.

Không có sự khác biệt tỷ lệ giữa nam và nữ nhưng ở Việt nam thì số lượng người bệnh TTPL nam nhiều hơn nữ.

Trên thế giới bệnh TTPL chiếm 50% số lượng người bệnh tâm thần khác nhưng ở Việt nam thì chiếm tới 80% số người bệnh tâm thần nhập viện.

Bệnh TTPL cũng có khi biểu hiện rõ nét mà cũng có khi tiềm ẩn, người bệnh có thể sống, lao động và hòa nhập xã hội tương đối bình thường nên tỷ lệ thực tế có khi còn cao hơn sự nắm bắt được. Ở nước ta, với dân số hơn 80 triệu dân thì ước tính có khoảng 250.000- 300.000 người mắc bệnh TTPL.

III. DIỄN BIẾN LÂM SÀNG

Có thể chia quá trình diễn biến tâm lý và bệnh lý ở người bệnh TTPL ra làm các giai đoạn sau:

Giai đoạn tiền bệnh.

Giai đoạn khởi phát bệnh.

Giai đoạn toàn phát .

Giai đoạn di chứng

1/ Giai đoạn tiền bệnh:

Không phải tất cả người bệnh TTPL trước khi khởi phát đều có biểu hiện nhân cách bệnh kiểu phân liệt, nhưng nhiều tác giả đều cho rằng số đông người bệnh TTPL có biểu hiện rối loạn nhân cách dạng này hoặc dạng khác chủ yếu là nhân cách kiểu phân liệt.

Nhân cách kiểu phân liệt: người bệnh sống cô độc, mơ mộng, khép kín, nhút nhát, lạnh lùng, xa lánh mọi người, khô khan....trở nên người không thực tế, lẫn tránh các mối quan hệ xã hội, không thiết tha với xung quanh, lý luận cứng nhắc, do dự, đôi khi có những hành vi kỳ dị...

Cũng có một số người bệnh TTPL có nhân cách tiền bệnh lý kiểu lo âu, bùng nổ, nghi ngờ ...

2/ Giai đoạn khởi phát:

Khoảng 60% người bệnh TTPL khởi phát từ từ âm ỉ. Có thể từ người có nhân cách tiền bệnh không bình thường chuyển dần sang bị bệnh một cách rõ nét. Cũng có thể  người bệnh có một thời gian sống bình thường rồi dần dần thay đổi tính tình, giảm sút khả năng học tập, công tác, đầu óc mù mờ khó nghỉ, cảm xúc lạnh nhạt dần, khó thích ứng với ngoại cảnh, một số biểu hiện giống rối loạn thần kinh chức năng: mỏi mệt, uể oải, đau đầu, mất ngủ, khó tiếp thu cái mới, bồn chồn lo lắng, dễ nổi cấu, dễ bùng nổ...

Về sau cảm giác bị động tăng dần, thấy như đuối sức trước cuộc sống, một số cảm thấy biến đổi kỳ lạ trong người như thay đổi nét mặt màu da. Có người cảm thấy bần thần trong đầu, thấy cơ thể mình như có gì đổi khác, không còn như trước nữa, thấy mọi người thân ở xung quanh như xa lạ. Có người trở nên say sưa đọc sách triết học, tôn giáo lý luận viễn vông... không phù hợp với thực tế, có người bổng trở nên mê tín dị đoan....

Đối với những người khởi phát đột ngột có thể thấy từ một người bình thường bổng nhiên có những hành vi bất thường khó hiểu: bỏ việc, giam mình trong nhà hoặc bỏ nhà đi lang thang, giết người, đốt nhà, ăn cắp, kích động, la hét, đập phá,... những hành vi đó theo logic phát triển nhân cách của con người đó cũng như bối cảnh xung quanh mà không thể nào lý giải được.

3/ Giai đoạn toàn phát:

Các triệu chứng khởi đầu nặng dần lên đồng thời xuất hiện rầm rộ các triệu chứng dương tính ( ảo giác, hoang tưởng....), các triệu chứng âm tính (thiếu hòa hợp, giảm sút thế năng tâm thần...). Tùy theo triệu chứng nào nổi bật lên hàng đầu và thời gian kéo dài trong giai đoạn kịch phát mà người ta chia ra các thể bệnh TTPL khác nhau.

Theo bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 (ICD-10) các thể bệnh của TTPL gồm:

3.1/ Thể Paranoid: F20.0

Có các triệu chứng nổi bật là ảo giác, hoang tưởng (thường là ảo thanh, hoang tưởng bị kiểm tra, bị chi phối, hoang tưởng bị truy hại....) Hoang tưởng thường mờ nhạt không hệ thống, thường thấy sự khó hiểu trong chủ đề hoang tưởng.

3.2/ Thể thanh xuân: F20.1

Xuất hiện ở người trẻ tuổi, nổi bật trạng thái kích động lố lăng rồ dại, cảm xúc khờ dại, tư duy rời rạc, tác phong điệu bộ, nhăn mặt nheo mắt, tinh ngịch... Sự thiếu hòa hợp quan trọng với sựu vắng mặt hoặc sự nghèo nàn của hoang hưởng, kèm theo sau là sự thiếu sót toàn diện về trí năng.

3.3/ Thể căng trương lực: F20.2

Đặc trưng là trương lực cơ tăng, biểu hiện lâm sàng là 2 trạng thái đối ngịch nhau:

Kích động tâm thần vận động:

Người bệnh tấn công người khác, la lối, phá phách, chạy nhảy lăng xăng và ngày đêm không ngủ...

Trạng thái sững sờ:

Người bệnh nằm ngay đơ, mắt mở trừng bất động, không ăn uống, không hợp tác, dễ uốn nắn cơ thể như sáp, sự thiếu hòa hợp ảnh hưởng đến sự vận động, sự kiểu cách, chống đối, phủ định có cơn đột ngột tăng vận động...

Sững sờ chống đối: người bệnh không hợp tác, không nói, bảo duỗi tay ra lại cụp tay vào...

Sững sờ uốn sáp: tay, chân, đầu người bệnh ngay đơ, khi ta chuyển họ sang tư thế nào thì họ để nguyên tư thế đó.

Sững sờ cứng như gổ: người bệnh ngay đơ bất động, đầu gối không khí (để cao như có gối ở dưới), mặt ngay đơ như tượng...

3.4/ Thể không biệt định: F20.3

Thể này bao gồm các trạng thái đáp ứng các tiêu chuẩn chung cho chẩn đoán bệnh nhưng không tương xứng với bất cứ thể nào kể trên.

5.5/ Thể đơn thuần: F20.6

Chủ yếu là các triệu chứng âm tính như thiếu hòa hợp, tự kỷ, giảm sút thế năng tâm thần, người bệnh trở nên kỳ dị khó hiểu, bỏ nhà đi lang thang hay suốt ngày quanh quẩn trong nhà không tiếp xúc với ai, không tắm rữa, vệ sinh, không ăn uống cùng gia đình. Đời sống tinh thần ngày càng nghèo nàn, cảm xúc khô lạnh dần. Người ta nhận thấy người bệnh như ngọn đèn hết dầu, đời sống tinh thần cứ lụi tàn đi tới sa sút không biết gì.

4/ Giai đoạn di chứng:

Có 2 trạng thái được ICD-10 đưa ra là:

4.1/Thể trầm cảm sau phân liệt: F20.4

Là một giai đoạn trầm cảm có thể kéo dài do hậu quả của bệnh TTPL hoặc do thuốc an thần kinh cổ điển. Một số triệu chứng phân liệt vẫn còn, chủ yếu là triệu chứng âm tính. Rối loạn trầm cảm này làm nguy cơ tự sát tăng.

4.2/ Thể di chứng: F20.5

Là một giai đoạn mãn tính trong tiến triển của bệnh TTPL. Khi đó các triệu chứng dương tính mờ nhạt, các triệu chứng âm tính kéo dài nhưng không nhất thiết là không hồi phục, người bệnh chậm chạp, hoạt động kém, bị động, thiếu sáng kiến, ngôn ngữ nghèo nàn...

  1. CHẨN ĐOÁN BỆNH TÂM THẦN PHÂN LIỆT

Trước đây chẩn đoán bệnh TTPL dựa vào 2 quá trình của hội chứng âm tính là quá trình thiếu hòa hợp - tự kỷ:

Tính thiếu hòa hợp: biểu hiện sự thiếu thống nhất, không phù hợp các hoạt động tâm thần so với kích thích bên ngoài, cảm xúc trái ngược (chuyện đang vui bệnh nhân lại buồn và chuyện đang buồn thì bệnh nhân lại vui) hoặc không biểu hiện gì cả, hoặc cảm xúc 2 chiều (tự nhiên vừa yêu vừa ghét một đối tượng).

Tính tự kỷ: hoạt động tâm thần bị thu hẹp, tách rời thế giới thực tại, người bệnh bị thu hẹp vào thế giới nội tâm, ít quan hệ, cười nói một mình vô cớ...

Tính thiếu hòa hợp - tự kỷ đi liền với nhau hổ trợ lẫn nhau

Quá trình giảm sút thế năng tâm thần:

Cảm xúc cùn mòn, thờ ơ vô cảm.

Kết quả học tập, công tác giảm sút.

Không tiếp thu được kiến thức mới.

Mất dần quan hệ xã hội.

Mất dần thói quen vệ sinh cá nhân.

Hiện nay theo quan điểm của ICD-10 việc chẩn đoán bệnh TTPL dựa vào sự ưu tiên của các triệu chứng dương tính. Các triệu chứng của bệnh TTPL được xếp vào 9 nhóm theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới là:

1/ Tư duy: vang thành tiếng, bị đánh cắp, bị áp đặt và tư duy bị phát thanh.

2/ Các hoang tưởng bị kiểm tra, bị chi phối có liên quan rõ rệt với vận động thân thể hay các chi hoặc có liên quan với những ý nghĩ, hành vi hay cảm giác đặt biệt, tri giác hoang tưởng.

3/ Các ảo thanh bình luận thường xuyên vì hành vi của người bệnh hoặc thảo luận với nhau về người bệnh hoặc các ảo thanh khác từ một bộ phận nào đó của cơ thể ( ảo giác giả ).

4/ Các loại hoang tưởng dai dẳng khác không thích hợp về mặt văn hóa và hoàn toàn không thể có được.

5/ Ảo giác dai dẳng bất kỳ loại nào.

6/ Tư duy gián đoạn hay thêm từ khi nói dẫn đến tư duy không liên quan, bịa lời khi nói.

7/ Tác phong căng trương lực: kích động hay sững sờ, giữ nguyên tư thế.

8/ Các triệu chứng âm tính như vô cảm rõ rệt, ngôn ngữ nghèo nàn, cảm xúc cùn mòn hay không thích hợp đưa đến cách ly xã hội, giảm sút hiệu xuất lao động, các triệu chứng trên không do thuốc an thần gây nên.

9/ Biến đổi nhân cách toàn diện như mất thích thú, thiếu mục đích, lười nhát (giảm sút thế năng tâm thần, thái độ mãi mê suy nghỉ về bản thân và cách ly xã hội ( tính tự kỷ).

NGUYÊN TẮC CHỈ ĐẠO CHẨN ĐOÁN THEO ICD-10

Có ít nhất 1 triệu chứng rõ nét từ 1- 4, nếu không rõ thì phải 2 trở lên. Những nhóm sau phải cần nhiều triệu chứng hoặc ít nhất phải có 2 triệu chứng trở lên.

Các triệu chứng phải kéo dài ít nhất 1 tháng. Không chẩn đoán bệnh TTPL khi có các triệu chứng rối loạn khí sắc điển hình trừ khi các triệu chứng phân liệt xuất hiện trước.

Không chẩn đoán bệnh TTPL khi đã có những bệnh não rõ rệt, bệnh nhân nghiện ma túy, nghiện rượu, bị chấn thương sọ não, bị chậm phát triển tâm thần hoặc rối loạn tâm thần do nhiễm trùng, nhiễm độc hoặc do bệnh cơ thể gây nên.

  1. BỆNH CĂN

Cho đến nay bệnh TTPL vẫn là một bệnh có căn nguyên chưa rõ ràng, có nhiều giả thuyết, gồm:

1/ Lý thuyết di truyền:

Yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng.

Tỷ lệ mắc bệnh chung: 0.3 - 1% dân số.

Người bệnh TTPL có bố mẹ cũng mắc bệnh: 4%.

Con đẻ của cả hai bố mẹ cùng mắc: 40%

Trẻ sinh đôi cùng trứng cũng mắc bệnh TTPL 60%.

Tuy nhiên chưa tìm thấy gen nào trực tiếp gây ra bệnh TTPL.

2/ Các yếu tố: môi trường, tâm lý, gia đình, xã hội và nghề nghiệp:

Cũng có ảnh hưởng lên bệnh sinh của bệnh TTPL nhưng không rõ ràng.

3/ Thuyết Dopamine:

Thuyết này tập trung vào giải thích các triệu chứng của bệnh TTPL, đều là do tăng cường hoạt tính của Dopamine gây nên, với các dấu hiệu gián tiếp sau:

Amphetamine với các tính chất tương tự như Dopamine gây loạn thần, kích động.

Các thuốc an thần kinh làm ức chế dẫn truyền Dopamine làm giảm triệu chứng của bệnh TTPL.

4/ Thuyết Serotonin:

Cho rằng sự sụt giảm Serotonin trong não là nguồn gốc của các triệu chứng âm tính.

5/ Thuyết biến đổi cấu trúc não:

Qua kết quả chụp CT Scanner, MRI não bộ người ta thấy rằng cấu trúc não của người bệnh TTPL mỏng hơn, chất xám ở một số người bệnh ít hơn, các não thất giãn rộng hơn và người ta còn thấy rằng các bất thường đó có liên quan đến các yếu tố bà mẹ bị bệnh cúm khi có thai (1/3 số trường hợp)

        VI/ ĐIỀU TRỊ:

          Do căn nguyên chưa được biết rõ nên cho đến nay, việc điều trị bệnh TTPL vẫn còn là điều trị triệu chứng.

Muốn đạt kết quả tốt, bệnh cần được điều trị sớm và điều trị toàn diện với sự kết hợp nhiều liệu pháp, được theo dõi lâu dài và liên tục tại cơ sở chuyên khoa tâm thần.

          Hiện nay phần lớn bệnh nhân TTPL được điều trị ngoại trú tại cộng đồng.

          Điều trị nội trú được chỉ định cho các trường hợp sau:

          - Lúc mới khởi phát giai đoạn loạn thần đầu tiên, việc nhập viện tạo điều kiện cho chẩn đoán được chính xác, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, tiến hành các liệu pháp hóa dược và tâm lý dưới sự theo dõi chặt chẽ. Các điều trị này sẽ được tiếp tục sau khi bệnh nhân ra viện.

          - Bệnh nhân có hành vi kích động gây nguy hiểm cho bản thân và người chung quanh, bệnh nhân có ý tưởng và hành vi tự sát, bỏ ăn uống.

          - Bệnh nhân có hành vi vô tổ chức một cách rõ rệt, ảnh hưởng đến khả năng tự chăm sóc.

  1. Điều trị bằng thuốc:

          1.1 Nguyên tắc điều trị bằng thuốc chống loạn thần (CLT):

          Việc sử dụng các thuốc CTL trong TTPL cần tuân theo 5 nguyên tắc chính:

          - Thầy thuốc phải xác định rõ các triệu chứng đích cần điều trị;

          - Một thuốc CLT đã có tác dụng tốt trước đây cho một bệnh nhân nên được sử dụng lại. Nếu không có thông tin này, việc chọn một thuốc CLT thường dựa trên các tác dụng phụ. Các dữ liệu hiện có cho thấy các thuốc CLT không điển hình ít tác dụng phụ và có hiệu quả tốt hơn;

          - Thời gian tối thiểu của một thử nghiệm thuốc CLT là từ 4-6 tuần ở liều thích hợp, nếu không đáp ứng thì thay thế bằng một thuốc thuộc nhóm khác;

          - Nói chung, việc sử dụng nhiều hơn một thuốc CLT cùng lúc rất hiếm khi được chỉ định. Ở các bệnh nhân đặc biệt kháng trị, việc kết hợp các thuốc CLT với các thuốc khác như Carbamazepin có thể được chỉ định. Ngoài ra đối với thể trầm cảm sau phân liệt thì dùng thêm các thuốc chống trầm cảm.

          - Bệnh nhân cần được duy trì ở liều thuốc thấp nhất có hiệu quả.

          1.2 Các thuốc CLT cổ điển: Chúng làm giảm kích động, ảo giác, hoang tưởng nhưng rất ít hoặc không có tác dụng trên các triệu chứng âm tính như cảm xúc cùn mòn, mất hứng thú, tách rời xã hội, mất ý chí…Ngoài ra chúng còn gây các tác dụng phụ ngoại tháp, trong đó nặng nhất là rối loạn vận động muộn và hội chứng ác tính do thuốc CLT.

- Chlopromazin có tác dụng rất tốt để làm dịu cơn kích động. Liều dùng từ 50mg-500mg/ngày.

- Haloperidol có tác dụng tốt trong các trường hợp hoang tưởng, ảo giác. Liều từ 1,5-20mg/ngày.

- Levomepromazin có tác dụng yên dịu và chống loạn thần. Liều từ 25-200mg/ngày

- Các thuốc CLT có tác dụng kéo dài như Fluphenazin Decanoat 12,5mg-50mg tiêm bắp/2 tuần, Haldol Decanoat 25-200mg tiêm bắp/4 tuần, thường được sử dụng trong các trường hợp người bệnh chống đối không chịu uống thuốc ở giai đoạn điều trị ngoại trú.

1.3 Các thuốc CLT thế hệ mới: Còn được gọi là các thuốc CLT không điển hình hoặc các thuốc đối vận Serotonin-Dopamin (Serotonin-Dopamin Antagonists: SDA). Theo các nghiên cứu, các thuốc này vừa có hiệu quả ít nhất ngang với Haloperidol trên các triệu chứng dương tính của bệnh TTPL, lại có tác dụng trên các triệu chứng âm tính và ít hoặc không có tác dụng phụ ngoại tháp. Do đó, hiện nay nhóm thuốc này (trừ Clozapin) có thể được lựa chọn đầu tiên trong điều trị bệnh TTPL.

- Risperidone: Được xem là một trong các thuốc được lựa chọn hàng đầu để điều trị bệnh TTPL, liều từ 2-6mg/ngày, liều cao hơn có thể gây loạn trương lực cơ cấp, chứng đứng ngồi không yên. Risperidone ít gây buồn ngủ và tăng cân.

- Olanzapin: Là một thuốc CLT không điển hình hiệu quả trong điều trị TTPL. Ít tác dụng phụ ngoại tháp nhưng hay gây buồn ngủ, tăng cân, hạ huyết áp tư thế và táo bón.. Ngoài ra rối loạn dung nạp Glucose cũng cần được quan tâm Liều từ 5-20mg/ngày, các nghiên cứu cho thấy ở liều trên 20mg/ngày có thể gây triệu chứng ngoại tháp và không thấy có hiệu quả khác biệt.

- Clozapin:

 + Có hiệu quả ở bệnh nhân TTPL nhưng không được chọn là thuốc hàng đầu do gây mất bạch cầu hạt, xảy ra ở 1-2% bệnh nhân, có thể đưa đến tử vong.

 + Do trên 95% trường hợp mất bạch cầu hạt xảy ra trong 6 tháng đầu nên bệnh nhân cần được xét nghiệm máu hàng tuần trong 6 tháng đầu, sau đó mỗi 2 tuần 1 lần trong suốt thời gian điều trị.

 + Clozapin thường được bắt đầu ở liều 25-50mg/ngày rồi tăng dần, liều hiệu quả thường 300-600mg chia 2-3 lần.

- Amisulpirid (Solian): liều 50-300mg/ngày

- Quetiapin (Seroquel): liều 150-600mg/ngày

- Ziprasidon (Geodon): liều 80-160mg/ngày

- Sertindol (Serlect): liều 12-24mg/ngày

- Aripiprazole (Abilifi): liều 15-30mg/ngày

  1. 2. Điều trị bằng choáng điện:

Choáng điện, mặc dù hiện nay ít được sử dụng nhưng có thể được chỉ định ở bệnh nhân TTPL:

- Có ý tưởng hoặc hành vi tự sát;

- Bỏ ăn uống;

- Có biểu hiện căng trương lực hoặc kích động mạnh;

- Đáp ứng kém với thuốc CLT.

  1. 3. Điều trị bằng tâm lý:

          3.1 Điều trị hành vi:

          Các kỹ thuật hành vi nhằm làm tăng các khả năng xã hội, sự tự lập, các kỹ năng thực tiễn và giao tiếp với người xung quanh. Các hành vi phù hợp phải được khen thưởng. Các kỹ thuật này cũng giúp làm giảm các hành vi không thích hợp hoặc lệch lạc như nói to, nói một mình hoặc các tư thế kỳ dị.

          3.2 Trị liệu hướng gia đình:

- Do bệnh nhân TTPL thường được xuất viện trong tình trạng mới thuyên giảm một phần nên gia đình cần được hướng dẫn để cùng tham gia vào việc điều trị.

- Cần giúp cho gia đình và bệnh nhân hiểu về bệnh TTPL và các sự kiện đã đưa đến giai đoạn loạn thần, áp dụng các phương pháp làm giảm căng thẳng và giúp bệnh nhân trở lại cuộc sống hàng ngày.

- Tránh các biểu hiện cảm xúc quá mức của gia đình đối với người bệnh.

3.3 Trị liệu nhóm:

- Giáo dục và rèn luyện các kỹ năng xã hội như cách khởi đầu cuộc trò chuyện, cách lắng nghe, bày tỏ ý kiến, cách phê bình và tiếp thu phê bình...

- Ngoài ra cần tập trung vào các công việc thường ngày như tìm việc làm, sữa soạn một bữa ăn, cách ăn mặc...

3.4 Trị liệu nhận thức: Để cải thiện các lệch lạc về nhận thức, làm gia tăng các khả năng chú ý và sửa chữa các sai lầm về phán đoán.

3.5 Trị liệu cá nhân: Các liệu pháp thường dùng là liệu pháp nâng đỡ và liệu pháp hướng đến sự thấu hiểu

- Liệu pháp nâng đỡ: Bệnh nhân được tích cực hổ trợ để hiểu, đương đầu với bệnh tật và hoàn cảnh sống của mình. Mục đích là tìm được và duy trì một việc làm, sống hòa hợp với gia đình, bạn bè và hiểu được ý nghĩa của các tương tác xã hội.

- Liệu pháp hướng đến sự thấu hiểu: Thiết lập mối quan hệ giữa thầy thuốc với bệnh nhân TTPL. Bệnh nhân thường trở nên đa nghi, lo âu hoặc trở nên gây hấn khi có người muốn gần gũi họ. Nhà điều trị cần tôn trọng khoảng cách và sự riêng tư của bệnh nhân, cần tỏ ra thẳng thắn, kiên nhẫn, thành thật hơn là tỏ ra thân mật quá sớm.

VII. TIÊN LƯỢNG

1/ Các yếu tố tiên lượng tốt:

- TTPL thể Paranoid

- Khởi phát trễ, cấp.

- Khả năng thích ứng tốt trước khi bị bệnh, tiến triển từng cơn.

- Điều trị sớm, đáp ứng tốt với thuốc an thần kinh.

- Sự hợp tác tốt của bệnh nhân và gia đình.

2/ Các yếu tố tiên lượng xấu:

- Có tiền sử gia đình về bệnh TTPL

- Có nhân cách dạng phân liệt trước khi bị bệnh.

- Khởi phát sớm và âm ỉ, triệu chứng âm tính.

- Sự không hợp tác của bệnh nhân và gia đình./.

                           TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trần Đình Xiêm (1997), Bệnh tâm thần phân liệt. Tâm thần học. Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh - Bộ môn tâm thần học – Nhà xuất bản y học. Trang: 305-329.
  2. Nguyễn Hữu Kỳ (2010), Tâm thần phân liệt. Giáo trình sau đại học. Trường đại học Y Dược Huế. Trang:20-21
  3. Nguyễn Văn Nuôi (2005), Bệnh tâm thần phân liệt. Tâm thần học. Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh - Bộ môn tâm thần học – Nhà xuất bản y học. Trang: 133-152.

4. Lương Hữu Thông (2001), Bệnh tâm thần phân liệt, Bài giảng tâm thần học, lưu hành nội bộ, Bệnh viện tâm thần Trung ương II. Trang: 69-79.