Ngày 28-3-2018, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2033/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch quốc gia truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác (giai đoạn 2018-2025).
Theo các nhà khoa học, ăn mặn hay ăn nhiều gia vị, nhiều muối là một trong những thói quen không tốt, có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Thói quen của người Việt là khi ăn ở nhà, trong mỗi mâm cơm, ngoài các món ăn, đều có chén nước mắm hoặc đĩa muối dùng để chấm. Ở các cửa hàng ăn, trên mỗi bàn ăn đều có sẵn các loại gia vị để người dùng tự thêm vào cho hợp khẩu vị.
Theo công bố kết quả cuộc điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm trong năm 2015 tại Việt Nam (STEPS) cho thấy mức tiêu thụ muối trung bình của người Việt Nam là 9,4g/người/ngày gần gấp đôi mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (dưới 5g muối/người/ngày). Cứ 5 người trưởng thành Việt Nam thì có 1 người tăng huyết áp, hơn 20 người thì có 1 người đái tháo đường và độ tuổi 18- 69 điều có yếu tố nguy cơ cao.
Kế hoạch quốc gia truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn của Bộ Y tế đặt ra chỉ tiêu: giảm mức tiêu thụ muối trung bình của người trưởng thành xuống còn dưới 7 gam/người/ngày; trên 90% người trưởng thành biết được tác hại do ăn nhiều muối, nhận biết được các các loại sản phẩm có nhiều muối; trên 60% người trưởng thành thực hiện ít nhất một biện pháp giảm muối khẩu phần ăn hàng ngày; trên 90% số người được phát hiện mắc bệnh tăng huyết áp, bệnh tim mạch và các bệnh liên quan khác được tư vấn, hướng dẫn thực hiện chế độ ăn giảm muối.
Để hạn chế gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm, mỗi người hãy giảm lượng muối và gia vị cho vào khi chế biến thức ăn; hạn chế lượng muối, gia vị, nước chấm đặt trên bàn ăn trong khi ăn; hạn chế lựa chọn, sử dụng thực phẩm có nhiều muối và thay bằng thực phẩm tự nhiên.
CN Tạ Thị Bích Ngọc