Nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) hiện là một trong những mối quan tâm hàng đầu tại Việt Nam cũng như toàn thế giới. NKBV có tác động rất lớn, là một nguy cơ đối với bệnh nhân, làm tăng tần suất mắc bệnh, tăng thời gian, chi phí điều trị, đe dọa sự an toàn của người bệnh, tăng biến chứng, gây tử vong và là nguyên nhân phát sinh của những vi khuẩn kháng thuốc, đặt ra cho ngành y tế những thách thức vô cùng to lớn. Một trường hợp nhiễm khuẩn được coi là nhiễm khuẩn bệnh viện nếu xảy ra ≥ 48 giờ sau khi nhập viện.
Tại các cơ sở y tế, nguồn nhiễm khuẩn có thể đến từ nhân viên bệnh viện, bệnh nhân và môi trường. Môi trường bệnh viện, nước hay thức ăn có thể chứa những nguồn bệnh và gây bùng phát bệnh như ở cộng đồng bên ngoài. Thậm chí, các dược phẩm cũng có thể bị nhiễm khuẩn trong quá trình sản xuất hay phân phối.
WHO cho biết có 4 dạng nhiễm khuẩn bệnh viện chính, đều liên quan đến thủ thuật xâm lấn hoặc phẫu thuật là nhiễm trùng đường tiết niệu do đặt ống thông, viêm phổi liên quan đến thở máy, nhiễm trùng vết mổ, nhiễm trùng máu liên quan đến ống thông. Đường lây nhiễm chính là lây qua tiếp xúc bao gồm lây nhiễm trực tiếp và lây nhiễm gián tiếp, nhiễm trùng qua các giọt bắn khi ho hoặc hắt hơi, nhiễm trùng lây truyền qua không khí, nguồn lây nhiễm thông thường, lây truyền qua vector, nếu bùng phát dịch lan đến những cơ sở y tế không có thực hành an toàn, hệ thống y tế sẽ có nguy cơ bị gián đoạn. Đáp ứng nhanh với những mối đe dọa về y tế công cộng đòi hỏi phải có cảnh báo sớm, các cơ sở y tế ở tuyến trước trong ngăn ngừa và ứng phó dịch bệnh, các hệ thống giám sát bệnh viện và giám sát y tế công cộng cần được liên kết một cách chính thức và hiệu quả để đảm bảo có được cảnh báo sớm.
Để phòng chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện và các cơ sở y tế thực hiện các biện pháp sau:
1. Thiết kế, sắp xếp đồ dùng trong bệnh viện
Phòng và các đồ dùng trong bệnh viện phải được sắp xếp để tránh tích tụ và phát tán vi khuẩn và bụi.
Các khu vực chăm sóc bệnh nhân phải sạch, khô ráo và thoáng khí.
Giữ bề mặt láng, dễ lau chùi và tránh bụi tích tụ.
Nệm và gối phải bao nhựa không thấm nước.
Hệ thống lọc không khí phải thiết kế sao cho giảm được sự gieo rắc vi khuẩn. Thí dụ: phòng mổ, khoa phỏng có bộ phận lọc không khí và có áp lực dương để khi mở cửa tránh vi khuẩn bay từ ngoài vào phòng. Phòng chăm sóc bệnh nhân lao, máy hút khí có áp lực âm để tránh vi khuẩn bay ra khỏi phòng.
2. Dọn vệ sinh
Dọn vệ sinh rất quan trọng để giảm số lượng vi khuẩn trong môi trường bệnh viện. Cần sử dụng các phương pháp làm giảm tối đa sự gieo rắc vi khuẩn vào không khí. Chỉ cần dọn rửa ướt bằng nước và chất tẩy rửa là đủ, sau đó làm khô.
Tại khoa phòng: lau chùi sàn nhà hằng ngày và khi cần. Chổi thường vung bụi và vi trùng vào không khí. Tốt nhất dùng máy hút bụi có màng lọc vi khuẩn. Màng lọc phải thay và rửa thường xuyên. Lau chùi ướt sàn khoa, phòng bằng nước và chất tẩy rửa với bàn chải hay máy chùi. Nước để lau nhà phải thay thường xuyên . Bàn chải và khăn lau phải thay mỗi ngày rồi giặt và sấy khô. Khử khuẩn sàn nhà khi có vấy máu hay dịch cơ thể.
Tường: dùng máy hút bụi trên cao, hay chùi bụi với khăn ướt để không làm rơi bụi xuống, phải chùi rửa tường với nước và chất tẩy rửa để ngừa đóng bụi.
Giường: giữ giường sạch, thay giặt vải trải giường, mền, lau chùi sạch các đồ dùng cho bệnh nhân khi thay đổi bệnh nhân.
Có thể phải dùng các chất khử khuẩn (disinfectant) cho phòng có bệnh nhân bị nhiễm khuẩn hay dễ bị nhiễm khuẩn, thí dụ phòng mổ, phòng hồi sức, phòng cách ly. Phải có chương trình dọn vệ sinh chi tiết cho các khu vực này.
Buồng tắm: dọn rửa bằng thuốc khử khuẩn có chlorine.
Các dụng cụ vệ sinh phải được giặt, rửa và khử khuẩn hàng ngày bằng phương pháp thích hợp. Thí dụ giặt trong nước với vải lau nhà, các loại đồ vải và giữ khô trong nơi cần giữ thích hợp.
Bô, bình tiểu: phải xối rửa sạch và khử khuẩn trước khi cho bệnh nhân khác dùng. Khử khuẩn bô và bình tiểu bằng nhiệt (nước nóng hay hơi nước nóng ở 80oC trong một phút hay 100oC trong 10 giây), hoặc nhúng vào dung dịch hypochloride mới pha hay chất khử khuẩn có phenol, sau đó làm khô. Không dùng các bồn nhúng có chứa chất khử khuẩn đã pha chế lâu vì chất khử khuẩn có thể đã bị trung hòa hay các vi khuẩn đề kháng có thể phát triển trong dung dịch đó.
3. Vô khuẩn
Kỹ thuật vô khuẩn với các dụng cụ phẫu thuật, nội soi... cần được tuân thủ nghiêm ngặt khi thực hiện các thủ thuật xâm nhập, phẫu thuật, chăm sóc vết thương như tại vùng da bệnh nhân dự kiến phẫu thuật: sát khuẩn bằng hóa chất; dùng kéo cắt bỏ lông, tóc. Các dụng cụ, đồ dùng trong bệnh viện (quần áo, giường tủ...) và chất thải của bệnh nhân cần được vệ sinh, khử khuẩn bằng các biện pháp thích hợp, đối với các dụng cụ y tế dùng lại phải bảo đảm xử lý vệ sinh theo đúng các quy định của Bộ Y tế.
4. Vệ sinh người bệnh
Người bệnh phải mặc quần áo bệnh viện, thay mỗi khi bẩn (dơ) hoặc ít nhất 2 ngày/lần.
Thay quần áo và drap (ga) giường mỗi khi dơ hoặc ẩm ướt hoặc ít nhất 2 ngày/lần.
Người bệnh được vệ sinh sạch sẽ.
Dụng cụ cá nhân được dùng riêng.
Buồng bệnh được tẩy uế khi bệnh nhân xuất viện, chuyển viện hoặc tử vong.
Dụng cụ cá nhân được dùng riêng cho từng người bệnh.
Người bệnh nhiễm phải được áp dụng chế độ cách ly:
+ Cách ly toàn phần: áp dụng trong các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm thành dịch. Người bệnh nhân được cách ly hoàn toàn với bên ngoài.
+ Cách ly từng phần: bệnh có nguy cơ lây qua đường nào thì cách ly theo đường đó: cách ly theo đường hô hấp, đường tiêu hoá, các bệnh lây qua đường máu, qua da.
+ Cách ly bảo vệ: áp dụng để bảo vệ cho những người bệnh có sức đề kháng kém, có nguy cơ dễ bị lây nhiễm.
+ Khi người bệnh chuyển viện, xuất viện, tử vong phải tẩy uế buồng bệnh.
+ Người bệnh tử vong phải bảo quản tử thi và lưu trữ nơi quy định.
+ Người nuôi bệnh phải tuân thủ quy định của bệnh viện: mặc áo choàng, thay dép
5. Vệ sinh cá nhân nhân viên y tế
Mặc đồng phục, đồng phục sạch, gọn gàng, nên giặt trong bệnh viện.
Móng tay, chân cắt ngắn không mang đồ trang sức quá rườm rà.
Rửa tay theo đúng quy định.
Khẩu trang che kín mũi lẫn miệng, thời gian mang khẩu trang liên tục không quá 2 giờ.
Gương mẫu trong vệ sinh cá nhân và vệ sinh chung.
Bỏ những thói quen xấu: cắn móng tay.
Tổ chức tập huấn hướng dẫn nhân viên cách phòng chống sự lây nhiễm trong môi trường bệnh viện (mang găng, cách xử lý chất thải, cách xử lý khi bị kim đâm).
Khi nhân viên bị bệnh dễ lây hoặc có nguy cơ nhiễm bệnh, phân công họ làm việc ở khu vực hành chánh, tránh tiếp xúc người bệnh.
Nhân viên nghỉ theo quy định luật lao động, tránh làm việc quá sức.
Khi nhân viên y tế bị phơi nhiễm máu và chất tiết có nguy cơ cần được theo dõi, xử lý và quản lý tốt.
Người viết: BS. Dương Ngọc Hiển