SỰ PHÁT TRIỂN CHIỀU CAO CỦA TRẺ

Chiều cao là yếu tố quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Vì vậy, ngay từ khi còn trong bụng mẹ, chiều cao của trẻ đã bắt đầu chịu ảnh hưởng từ chế độ dinh dưỡng mẹ áp dụng hằng ngày. Sự phát triển chiều dài của thai nhi rất sớm ngay từ những tuần đầu của bào thai và chiều dài đạt cao nhất vào giai đoạn trước tuần thứ 15 của thai kỳ. Trong khi đó, cân nặng của bào thai đạt cao nhất vào tuần thứ 32 đến tuần thứ 34 của thai kỳ. Chiều dài của thai nhi có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với chiều cao đỉnh điểm có thể đạt tới lúc trưởng thành.
- Cột mốc thai nhi: Trẻ sẽ đạt chiều cao trung bình khoảng 50cm lúc chào đời nếu mẹ áp dụng một chế độ ăn uống hợp lý và tăng khoảng 10-12 kg cân nặng trong thai kỳ.
- Cột mốc sơ sinh đến 3 tuổi: Mức tăng trưởng chiều dài trung bình của trẻ sơ sinh là 3-4cm/tháng trong vòng 3 tháng đầu. Con số này giảm dần sau đó, cụ thể 2,5cm/tháng khi bé 3-6 tháng tuổi; 1,5-2cm/tháng khi bé 6-9 tháng tuổi và 1-1,5cm/tháng khi bé được 9-12 tháng tuổi.
Sau khi ra đời, trong năm đầu tiên chiều dài trẻ phát triển nhanh, chiều dài trẻ 1 tuổi đó gấp rưỡi chiều dài lúc mới đẻ, ví dụ lúc mới sinh chiều dài của trẻ là 50cm, đến 1 tuổi chiều dài của trẻ sẽ là 75 cm. Từ 1 tuổi đến 10 tuổi trẻ ở giai đoạn lớn đều mỗi năm tăng trung bình khoảng 5cm. Khi đến thời kỳ tiền dậy thì trẻ lớn rất nhanh. Tuổi tiền dậy thì của trẻ em Việt Nam là 9 - 11 tuổi đối với nữ và 12 - 14 tuổi đối với nam. Lứa tuổi này chiều cao của trẻ nữ tăng mỗi năm khoảng 6cm và trẻ nam là 7cm. Khi đến tuổi dậy thì (12 - 13 đối với nữ và 15 - 16 đối với nam) thì sức lớn chậm lại, mỗi năm tăng khoảng 2cm. Giai đoạn tiếp theo cho đến 25 tuổi thì sức lớn rất chậm, chỉ tăng 1-2cm hoặc hầu như không tăng. Cơ thể con người hết tuổi lớn với nữ là khoảng 23 tuổi và nam là 25 tuổi.
5 cách giúp trẻ tăng chiều cao
1. Biện pháp dinh dưỡng

Đây là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển chiều cao, thể chất và trí tuệ của trẻ sau khi sinh. Vì vậy, ngoài việc có chế độ dinh dưỡng hợp lý mẹ cần tập trung vào một số thực phẩm bổ sung vitamin để giúp con phát triển tốt.

Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng giúp trẻ phát triển chiều cao

Ngoài việc cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Tiếp tục duy trì nhưng với số lượng giảm dần cho đến khi bé được gần 2 tuổi. Bắt đầu cho bé ăn dặm khi được 6 tháng tuổi để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho sự phát triển. Thực phẩm cung cấp phải đầy đủ 4 nhóm chất: Chất đạm, chất bột, chất béo, vitamin và khoáng chất. Để giúp bé đạt được chiều cao tiêu chuẩn theo từng tháng.

Bên cạnh đó, bạn cần chú ý đến các dưỡng chất quan trọng giúp tăng chiều cao như:

 Vai trò của Protein (chất đạm): chất đạm đóng vai trò thiết yếu trong cấu trúc cơ thể, đặc biệt là các chất đạm động vật với đầy đủ các axit amin cần thiết. Protein có nhiều trong thịt, cá, sữa, đậu…

 Vai trò của Canxi: Canxi là chất dinh dưỡng chính tham gia vào cấu trúc hệ xương, chiếm 99%, thiếu canxi sẽ ảnh hưởng đến sức lớn và sự vững chắc của xương. Thực phẩm giàu canxi: sữa, cá, tôm, rau bina…

 Vai trò của Lipid (chất béo): Chất béo rất quan trọng trong sự phát triển các xương dài của trẻ khi còn nhỏ. Đồng thời chất béo còn giúp cho tăng cường hấp thu tốt các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D…giúp hệ xương phát triển tốt.

 Vai trò của vi chất dinh dưỡng: Các nghiên cứu tiến hành gần đây cho thấy ảnh hưởng thiếu vi chất dinh dưỡng đến suy dinh dưỡng thể thấp còi, đặc biệt đáng chú ý là ảnh hưởng do thiếu kẽm, sắt, vitamin A và thiếu Iốt. Vitamin A giúp xương tăng trưởng tốt có nhiều trong gan động vật, thịt bò, thịt lợn, lòng đỏ trứng, rau xanh đậm, cà rốt, cam…Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi, tăng quá trình tổng hợp các protein vận chuyển canxi trong máu. Dầu gan cá, sữa, bơ, trứng… là thực phẩm giàu vitamin D. Ngoài ra, da tổng hợp vitamin D cho cơ thể dưới ánh nắng mặt trời. Các chất khác ảnh hưởng đến chiều cao như sắt, kẽm, i-ốt… mẹ cũng nên bổ sung vào chế độ ăn cho bé.

2. Ngủ đủ giấc

Với trẻ, giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng và ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao. Trẻ sơ sinh thường ngủ 22 tiếng, 2-6 tháng cần ngủ 15-18 tiếng, 6-18 tháng ngủ đủ 13-15 tiếng, 18 tháng đến 3 tuổi nên ngủ 12-13 tiếng và trẻ từ 3 đến 7 tuổi nên ngủ 11-12 tiếng mỗi ngày.

3. Massage
Trẻ sơ sinh rất thích được massage. Hành động này mang đến cho bé cảm giác thư giản, thoải mái đồng thời các cơ, xương khớp sẽ trở nên cứng cáp và linh hoạt hơn. Ngoài ra, massage còn giúp bé tiêu hóa tốt, ăn ngon miệng, ngủ ngon hơn. Vì vậy bé sẽ tăng cân và cao hơn nhiều.

4. Yếu tố về môi trường- xã hội

Yếu tố môi trường và xã hội có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển thể lực trẻ em, đặc biệt là phát triển chiều cao. Trẻ dễ bị suy dinh dưỡng thấp còi khi sống trong điều kiện kinh tế xã hội kém phát triển, môi trường thiếu vệ sinh, không đủ nước sạch, thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh và chất lượng chăm sóc kém.

5. Vận động, luyện tập thể dục thể thao

Đối với trẻ sơ sinh khuyến khích bé thực hiện các động tác đơn giản như quơ tay, đạp chân, tập lẫy, tập bò, tập đi… Khi đã biết đi lẫm chẫm hãy dắt bé dạo chơi ra bên ngoài, vịn vào chiếc xe tập đi để được “tự thân vận động”.

Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao có tác dụng rất tốt tới sự phát triển thể lực và tăng cường các phản xạ nhanh nhẹn, bền bỉ, dẻo dai. Nhiều môn thể thao hỗ trợ tốt cho phát triển chiều cao như: bơi, nhảy cao, chạy…

Như vậy, mọi can thiệp nhằm cải thiện chiều cao của con người cần phải thực hiện sớm, càng sớm càng tốt ngay từ những tuần đầu tiên của thai nhi. Quá trình chăm sóc dinh dưỡng và sức khỏe cần được tiếp tục thực hiện đồng bộ trong suốt quá trình tiếp theo, từ khi trẻ ra đời, thời kỳ bú mẹ, tuổi nhà trẻ mẫu giáo, tuổi học sinh, tuổi vị thành niên.

Chính vì vậy, để giúp con phát triển chiều cao tốt nhất, cha mẹ cần hiểu rõ tâm sinh lý, quá trình hình thành và phát triển cơ thể của trẻ trong từng độ tuổi để có biện pháp hỗ trợ tốt nhất. Chiều cao chịu tác động bởi nhiều yếu tố, cha mẹ hoàn toàn có thể can thiệp để cải thiện chiều cao cho trẻ. Hãy chuẩn bị những kiến thức căn bản này để nuôi con cao lớn và khoẻ mạnh.

Hoài Nhi - Lệ Thu