Truyền thông về chế độ dinh dưỡng và luyện tập trong phòng ngừa và điều trị tăng huyết áp tại Bệnh viện tâm thần Quảng Ngãi

Thực hiện kế hoạch số 05/KH-DDTC ngày 14/01/2019 của khoa Dinh dưỡng Tiết chế về việc truyền thông giáo dục dinh dưỡng năm 2019, chiều ngày ngày 04/2017 khoa Dinh dưỡng tổ chức buổi truyền thông về chế độ dinh dưỡng và luyện tập trong phòng chống bệnh tăng huyết áp cho người bệnh và người nhà người bệnh tại bệnh viện.

Đây là một hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong bệnh tăng huyết áp, phổ biến kiến thức cho người dân về cách ăn uống, tập luyện như thế nào để phòng ngừa tăng huyết áp và tránh được những biến chứng xảy ra.

Bs. Nguyễn Thị Hoài Nhi – hướng dẫn chế độ dinh dưỡng và tập luyện

Tại buổi truyền thông, BS. Nguyễn Thị Hoài Nhi – Phụ trách khoa Dinh dưỡng cho biết, bệnh tăng huyết áp là một bệnh phổ biến, đặc biệt ở người có tuổi, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong hoặc tàn phế trong số các bệnh lý tim mạch. Bệnh thường diễn biến âm thầm nhưng hậu quả rất nặng nề. Vì vậy, nếu được theo dõi và điều trị đúng sẽ tránh được các tai biến, biến chứng của bệnh. Nguyên tắc chung trong điều trị bệnh tăng huyết áp là phải phối hợp việc thay đổi lối sống và kiểm soát được huyết áp mục tiêu ở mức < 140/90 mmHg. Những người bệnh có kết hợp tiểu đường hoặc suy tim, suy thận phải kiểm soát huyết áp với huyết áp mục tiêu thấp hơn 130/80 mmHg. Bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, vấn đề ăn uống và tập luyện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc điều trị bệnh và phòng ngừa biến chứng của bệnh.

BS Nhi hướng dẫn biện pháp việc phòng ngừa và điều trị căn bệnh này như sau:

- Hạn chế muối ăn và mì chính dưới 6 gam/ngày (1 muỗng cà phê): Bỏ thức ăn muối mặn như cà, dưa muối, mắm tôm, mắm tép, thức ăn đóng hộp…..;

- Ăn nhiều rau xanh và trái cây, chú ý ăn các loại thức ăn có chứa nhiều kali, magie và các nguyên tố vi lượng khác như khoai tây, rong biển, chuối, dưa hấu;

- Giảm chất kích thích, an thần: bỏ rượu, cà phê, nước chè đặc;

- Nên dùng các hạt ngũ cốc không xay sát kỹ, ít dung dạng bột, ít dung các loại đường và bánh kẹo;

- Không hút thuốc lá, vì nicotin trong thuốc lá làm co mạch ngoại vi

- Nên uống nước vừa phải, nên uống chè sen, chè hoa hòe, nước râu ngô, nước rau luộc

- Kiểm soát cân nặng, để giảm nguy cơ béo phì, có thể tác động đến việc huyết áp tăng cao.

- Nếu người bị tăng huyết áp và thừa cân thì phải thực hiện chế độ ăn giảm calo, điều chỉnh cân nặng về mức hợp lý
- Tăng cường rèn luyện thể lực mỗi ngày, hoặc đi bộ ít nhất 15 – 30 phút mỗi ngày
- Phải qua 2 – 3 tháng tập luyện thường xuyên huyết áp mới bắt đầu hạ xuống, bởi vậy đòi hỏi phải kiên trì
- Tùy theo tình trạng sức khỏe có thể tập đi bộ nhanh, chạy bước nhỏ, hay luân phiên giữa đi bộ nhanh và chạy bước nhỏ
- Nguyên tắc tập luyện chung là thường xuyên, liên tục và nâng dần tốc độ hoặc thời gian tập
- Chú ý, những người bệnh bị tăng huyết áp thì tập luyện phải kết hợp với dùng thuốc hạ huyết áp theo chỉ định của thầy thuốc
- Với những người bệnh tăng huyết áp độ III (> 180/110mmHg thì cần phải kiểm soát được huyết áp bằng việc dùng thuốc trước, sau đó mới tiến hành chương trình tập luyện
- Khi có biểu hiện suy tim thì chống chỉ định hoàn toàn với tập luyện,chỉ đi dạo, hít thở không khí trong lành.

Kết thúc buổi truyền thông, người tham dự đã chia sẻ về những kiến thức được cập nhật hôm nay, có người cũng đã từng nghe qua, có người mới nghe lần đầu, trên nét mặt mỗi người đều thể hiện sự yên tâm hơn vì ít nhiều cũng đã nắm được kiến thức áp dụng chăm sóc sức khỏe cho mình và cho người thân.

Người viết: BS Nguyễn Thị Hoài Nhi