Động kinh là bệnh lý xảy ra do sự bất thường trong não bộ dẫn tới kích thích đồng thời một nhóm các tế bào thần kinh của vỏ não và gây ra sự phóng điện đột ngột, không kiểm soát. Biểu hiện lâm sàng là những cơn ngắn, định hình, đột khởi, có khuynh hướng chu kỳ và tái phát do sự phóng điện đột ngột quá mức từ vỏ não hoặc qua vỏ não của những nhóm nơron, gây rối loạn chức năng của thần kinh trung ương (cơn vận động, cảm giác, giác quan, thực vật, ...), điện não đồ ghi được các đợt sóng kich phát. Mất ý thức cũng là biểu hiện thường gặp trong hoặc sau cơn.
Ðộng kinh là một bệnh phổ biến, chiếm khoảng 0,5-2% dân số, ba phần tư số ca xảy ra trước lứa tuổi 20. Tỷ lệ mới mắc cơn động kinh đầu tiên theo tuổi giao động từ 18,9 đến 190/100.000 dân và nam đều cao hơn nữ (nam:nữ =1,7:1,2). Tỷ lệ hiện mắc động kinh hoạt động ở các nước phát triển dao động trong khoảng 3,7 đến 8/1.000 dân.
Tuy nhiên vấn đề chẩn đoán và xử trí Động kinh còn nhiều thiếu sót. Đặc biệt là trong các xử trí Động kinh cơn lớn và Trạng thái Động kinh. Vì vậy cần phải cập nhật kiến thức nhằm nâng cao năng lực chẩn đoán và xử trí cho nhân viên y tế tại Bệnh viện và trong cộng đồng.
Để nâng cao năng lực về xử trí cơn Động kinh, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Lớp tập huấn “ Xử trí động kinh” theo thông tư 51/2017 của Bộ y tế cho toàn bộ nhân viên bệnh viện.
Phát biểu khai mạc lớp học, Bác sỹ CKII Đặng Trong, Phó Giám đốc phụ trách bệnh viện cho biết, thông qua buổi tập huấn, hy vọng các học viên có thể nhận biết dấu hiệu của động kinh, biết xử lý cấp cứu ban đầu một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, cách theo dõi bệnh nhân sau cơn động kinh, các phương pháp xác định nguyên nhân và quản lý tư vấn cho bệnh nhân và gia đình cách phòng tránh.
Trong khuôn khổ chương trình tập huấn, các học viên được cập nhật kiến thức, khuyến cáo từ các tài liệu của các trường Đại học y khoa trên cả nước, Hiệp hội Thần kinh học Việt Nam và thế giới và của một số tác giả là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực thần kinh học lâm sàng.
Trong những năm gần đây, tình hình mắc động kinh mới vẫn tiếp tục gia tăng; nguyên nhân của động kinh thực tổn ngày càng nhiều, đặc biệt trong các chấn thương sọ não, nhiễm ký sinh trùng não…nguyên nhân động kinh liên quan đến rượu bia tăng do tỷ lệ lạm dụng rượu bia tăng, gây ngộ độc, cai nghiện, lạm dụng rượu lâu ngày gây tổn thương như teo não, teo tiểu não…gây nên những cơn co giật hoặc gây bệnh động kinh thực sự. Tuy nhiên vấn đề xử trí Cơn động kinh toàn thể có lúc, có nơi hoặc một số nhân viên y tế mới vào chuyên ngành tâm thần chưa có xử trí phù hợp.
Việc xử trí cơn động kinh toàn thể có vai trò rất quan trọng. Bản chất của cơn động kinh thường không gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân (trừ trường hợp trạng thái động kinh gây phù não; cơn động kinh gây té ngã gây chấn thương sọ não, ngã vào lửa, rơi xuống nước hoặc có dị vật đường thở,…), nhưng khi xử trí cơn động kinh không đúng phương pháp có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Với phương pháp trao đổi trực quan sinh động về các hình ảnh của động kinh, báo cáo viên đã truyền đạt cụ thể về “những việc nên làm” và “những việc không nên làm” khi gặp bệnh nhân đang lên cơn động kinh. Nhân viên y tế tiếp thu những kiến thức, kỹ năng, thái độ và cách tiếp cận xử trí đúng đắn mới đem lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó là các chế độ tiết thực, nghỉ ngơi cũng như tư vấn nghề nghiệp phù hợp với từng người bệnh…
Qua buổi tập huấn, tất cả nhân viên y tế Bệnh viện tâm thần đều rất phấn khởi vì đã có buổi làm việc bổ ích, cập nhật được những kiến thức mới, học được những kỹ năng xử trí hay và có thái độ rất tự tin tiếp cận với người bệnh bị cơn động kinh. Đồng thời đề nghị cần tăng cường tổ chức các buổi tập huấn thường xuyên để nhân viên tiếp cận tốt với công việc chuyên môn được giao./.
Bs.CKI Võ Đình Kỳ - BVTT Quảng Ngãi