Khu vực khám bệnh ngoại trú bệnh viện Tâm thần Quảng Ngãi tháng 12/2020
1. Giới thiệu về rối loạn lo âu lan tỏa.
Rối loạn lo âu lan tỏa (generalized anxiety disorder – GAD) là một dạng rối loạn lo âu phổ biến, đặc trưng bởi những mối lo lắng dai dẳng, lan tỏa, tản mạn, không khu trú vào một sự kiện hoàn cảnh đặc biệt nào ở xung quanh hoặc có liên quan với những sự kiện đã qua không còn tính thời sự nữa, tiến triển thay đổi nhưng có xu hướng mạn tính (WHO, 1992). Các triệu chứng lo lắng quá mức luôn phối hợp với các triệu chứng cơ thể như căng cơ, dễ bị kích thích, khó vào giấc ngủ và bồn chồn. Các triệu chứng lo âu không phải là hậu quả của một bệnh cơ thể hoặc do một chất và không xảy ra trong phạm vi một rối loạn tâm thần khác. Người bệnh không thể kiểm soát được các lo lắng này, giảm khả năng lao động, sinh hoạt, và các chức năng khác (Bùi Quang Huy, 2017).
Trong cuộc sống, rối loạn lo âu lan tỏa là một rối loạn tâm thần thường gặp với tỷ lệ người mắc trong 1 năm từ 3% đến 8%, tỷ lệ gặp trong suốt cuộc đời từ 5% đến 8% trong dân số (Bùi Quang Huy, 2017). Tỷ lệ này ở Mỹ, hằng năm ước tính 2% dân số trưởng thành bị rối loạn lo âu lan tỏa. Ở Anh, 3% trong dân số mắc rối loạn lo âu lan tỏa và chỉ 8% trong số đó được chẩn đoán và điều trị chính thức (Bebbington et al., 2000).
Rối loạn lo âu lan tỏa còn kèm theo triệu chứng nhiều rối loạn tâm thần khác. Khoảng 67% người bệnh rối loạn lo âu lan tỏa đã có ít nhất một giai đoạn rối loạn trầm cảm trong suốt cuộc đời, và có 17% số người bệnh có thỏa mãn rối loạn cảm xúc lưỡng cực (Judd et al., 1998), ngoài ra người ta còn thường gặp triệu chứng ám ảnh sợ xã hội, ám ảnh sợ biệt định, rối loạn hoảng sợ, rối loạn nghiện chất kết hợp trên người bệnh rối loạn lo âu lan tỏa (Bùi Quang Huy, 2017).
Về nội dung lo âu, trẻ em và thanh thiếu niên có xu hướng lo âu nhiều hơn về điểm số học tập, thành tích thể thao, trong khi người lớn quan tâm nhiều hơn về hạnh phúc của gia đình hoặc sức khỏe (APA, 2013).
Xem chi tiết
BS. Trần Văn Minh