ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN ĐẾN TÁI PHÁT RỐI LOẠN LOẠN THẦN DO RƯỢU ĐIỀU TRỊ TẠI BỆNH VIỆN TÂM THẦN TỈNH QUẢNG NGÃI

Nguyễn Thanh Quang Vũ, Đặng Trong, Võ Đình Kỳ

TÓM TẮT:

Đặt vấn đề và mục tiêu: Rối loạn loạn thần do rượu gây ra nhiều hệ lụy cho bản thân bệnh nhân, gia đình, cộng đồng. Hiện chưa có nghiên cứu nào về rối loạn loạn thần do rượu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Vì vậy chúng tôi tiến hành đề tài nghiên cứu “Đặc điểm lâm sàng và một số yếu tố liên quan đến tái phát rối loạn loạn thần do rượu điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Quảng Ngãi” với các mục tiêu: mô tả đặc điểm lâm sàng của người bệnh rối loạn loạn thần do rượu điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Quảng Ngãi; nghiên cứu một số yếu tố liên quan đến tái phát rối loạn loạn thần do rượu ở đối tượng nghiên cứu. Phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu mô tả cắt ngang. Kết quả: Tuổi trung bình của đối tượng nghiên cứu là 46,82 ± 11,04. Triệu chứng hoang tưởng bị hại, ảo thanh chiếm đa số trong nhóm triệu chứng rối loạn loạn thần lần lượt là  60,3%, 61,6%. Hai thể lâm sàng thường gặp là rối loạn loạn thần do rượu với ảo giác chủ yếu: 31,5% và rối loạn loạn thần do rượu với hoang tưởng chủ yếu: 24,7%. Tỷ lệ tái phát của rối loạn loạn thần do sử dụng rượu điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Quảng Ngãi sau 3 tháng là 34,2%. Sự khác biệt về các đặc điểm tình trạng nghề nghiệp, điều kiện kinh tế gia đình, thói quen tham gia các hoạt động giải trí, gia đình có mâu thuẫn thường xuyên, gia đình có thân nhân bậc 1 mắc rối loạn tâm thần do rượu, gia đình có người thường xuyên sử dụng rượu, tính thường xuyên sử dụng rượu của đối tượng nghiên cứu có ý nghĩa thống kê với sự tái phát rối loạn loạn thần do rượu (p < 0,05). Kết luận: Hoang tưởng, ảo giác là hai đặc điểm lâm sàng thường gặp trong rối loạn loạn thần do rượu điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Quảng Ngãi. Một số yếu tố liên quan đến tái phát rối loạn loạn thần do rượu: thất nghiệp, kinh tế gia đình thuộc hộ nghèo, không có thói quen tham gia các hoạt động giải trí, gia đình có mâu thuẫn thường xuyên, gia đình có thân nhân bậc 1 mắc rối loạn tâm thần do rượu, gia đình có người thường xuyên sử dụng rượu, tính thường xuyên sử dụng rượu của đối tượng nghiên cứu.

Chi tiết.