Đề tài “ Đặc điểm
lâm sàng và một số yếu tố liên quan đến tái phát rối loạn loạn thần do sử dụng
ma túy tổng hợp dạng Amphetamin điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Quảng
Ngãi" đã được đăng trên Tạp chí thông tin chuyên ngành Tâm thần học số
1-năm 2021. Đề tài được thực hiện bởi Bệnh
viện Tâm thần Quảng Ngãi với các thành viên gồm BS. Võ Đình Kỳ, BS. Nguyễn
Thanh Quang Vũ làm chủ nhiệm đề tài, BS.
Nguyễn Văn Bé làm thư ký và cùng các thành viên khác của bệnh viện.
Với sự phát triển
của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là ngành hoá học nhiều chất ma tuý tổng hợp
liên tục được sản xuất. Từ đó gây ra một thực trạng xã hội, tỷ lệ người nghiện
ma túy tăng dần qua các năm, hàng năm tăng xấp xỉ 10.000 người, tính đến hết
năm 2019 trên cả nước có khoảng hơn 250.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản
lý. Trong đó, sử dụng ma túy dạng Amphetamin là phổ biến. Ma túy gây ra nhiều hệ
lụy cho gia đình và xã hội như trộm cắp, giết người, gây rối loạn trật tự an
ninh, xung đột trong gia đình, thậm chí có thể gây tử vong cho người nghiện.
Tuy vậy, người bệnh
rối loạn loạn thần do ma túy chưa được quan tâm và điều trị đúng mực. Người bệnh
không chỉ tái nghiện mà còn tái phải nhập viện rất cao. Tại Quảng Ngãi cho đến
năm 2020 chưa có nghiên cứu nào về rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy. Vì vậy, đề tài không chỉ mô
tả đặc điểm lâm sàng của rối loạn loạn thần do sử dụng ma túy tổng hợp dạng
Amphetamin mà còn khảo sát một số yếu tố liên quan đến sự tái phát của đối tượng
nghiên cứu. Từ đó, xây dựng kế hoạch điều trị và tăng cường công tác tư vấn,
giáo dục cho người bệnh và gia đình, để người bệnh không chỉ có sức khỏe về tâm
thần mà còn hòa nhập lại với gia đình và xã hội, có việc làm ổn định, xây dựng
cộng đồng lành mạnh.
Kết quả của đề
tài cho thấy lâm sàng của người bệnh rối loạn loạn thần do sử dụng ma túy tổng
hợp dạng Amphetamin biểu hiện rầm rộ với hoang hưởng, ảo giác. Tỷ lệ tái phát sau ba
tháng đến 62,1%. Người bệnh bị tái phát chủ yếu do không được hỗ trợ đứng mực
như thất nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình và xã hội, sống trong gia đình mà
thành viên khác hay sử dụng rượu bia, bạn bè rủ rê. Chính vì vậy, điều trị cho
người bệnh rối loạn tâm thần do ma túy không chỉ ở bệnh viện, nhân viên y tế mà
còn có sự phối hợp với gia đình và xã hội. Tuyên truyền nâng cao nhận thức
người dân về tác hại của ma túy. Quản lý tốt tình trạng sử dụng ma túy tại cộng
đồng, tạo điều kiện cho người bệnh có việc làm, tăng cường công tác tư vấn,
giáo dục để hạn chế mâu thuẫn trong gia đình và xã hội. Đồng thời có sự hỗ trợ
về chính sách xã hội kịp thời để từ đó mà môi trường sống được an ninh trật tự,
gia đình được hạnh phúc, xã hội ngày càng phát triển.
BS. Nguyễn Thị Minh Truyền