Đề tài về Rối loạn phổ tự kỷ với sự tham gia của Bệnh viện Tâm thần được đăng trên tạp chí y học Việt Nam

 

Đề tài “Tỷ lệ trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ và kết quả bước đầu can thiệp phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng tại tỉnh Quảng Ngãi” đã được đăng trên Tạp chí Y học Việt Nam tập 505 – tháng 8 - số 1 - 2021. Đề tài là Luận án Tiến sỹ Y học của BS. Nguyễn Tấn Đức với sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS Lương Ngọc Khuê, PGS.TS Võ Văn Thắng cùng với sự tham gia của Bệnh viện Tâm thần Quảng Ngãi gồm BS. Nguyễn Thanh Quang Vũ, BS. Đặng Trong và nhân viên y tế thực hiện can thiệp cho trẻ tự kỷ.


Rối loạn phổ tự tỷ là rối loạn phát triển suốt đời, đặc trưng bởi sự thiếu hụt khả năng giao tiếp, tương tác xã hội, tình cảm. Trẻ gặp khó khăn trong sinh hoạt, học tập, duy trì mối quan hệ. Từ đó gây suy giảm chức năng nghề nghiệp, xã hội, và các lĩnh vực quan trọng khác, trở thành gánh nặng cho gia đình và cộng đồng. Để cải thiện tình trạng này, tiến hành can thiệp phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ vẫn là phương pháp hàng đầu. Tuy nhiên, đến năm 2016 tại Quảng Ngãi vẫn chưa có nghiên cứu nào về tỷ lệ và mô hình can thiệp trẻ tự kỷ. Vì vậy, đề tài thực hiện đã xây dựng và đánh giá hiệu quả mô hình can thiệp, tạo điều kiện đẩy mạnh công tác chẩn đoán, can thiệp cho trẻ tự kỷ, tư vấn cho gia đình và tuyên truyền tại cộng đồng.

Đề tài được thực hiện trên địa bàn Quảng Ngãi, từ tháng 6/2016 đến tháng 8/2019. Sau khi được các Bác sĩ chuyên khoa Tâm thần chẩn đoán, trẻ được tiến hành can thiệp tại Bệnh viện Tâm thần Quảng Ngãi kết hợp với gia đình và cộng đồng. Sau 24 tháng can thiệp, trẻ cải thiện về hành vi và kỹ năng, cho thấy hiệu quả của mô hình can thiệp. Cho đến nay, Bệnh viện Tâm thần Quảng Ngãi vẫn tiếp tục triển khai mô hình can thiệp này, đã giúp cho các trẻ hòa nhập vào cộng đồng và theo học các Trường ở trong tỉnh. Từ đó, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân, toàn diện.

BS. Nguyễn Thị Minh Truyền